Đổi mới công tác quy hoạch đô thị hướng tới phát triển bền vững

18
11/2023

Trước yêu cầu thực tiễn hiện nay, công tác quy hoạch cần đổi mới, hướng đến phát triển bền vững. Sản phẩm quy hoạch đô thị phải thể hiện tính chiến lược, tăng cường sự điều tiết vĩ mô của nhà nước, trách nhiệm cộng đồng và đặt trong hệ thống phối hợp toàn diện…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Diễn đàn về phát triển đô thị mới đây, ông Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận địnhcùng với các đô thị trên toàn thế giới, hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển theo xu hướng đô thị bền vững. Đô thị phát triển bền vững đảm bảo và nâng cao chất lượng sống của con người về mặt kinh tế, xã hội và môi trường cho hôm nay cùng thế hệ mai sau. Để đáp ứng được định hướng phát triển bền vững, công tác quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, công tác quy hoạch đô thị ở nước ta những năm gần đây bên cạnh thành tựu thì vẫn có một số hạn chế.

CHẤT LƯỢNG QUY HOẠCH ĐÔ THỊ THẤP

Ông Hậu cho biết, Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoach, xây dựng quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ: Việc triển khai thực hiện công tác quy hoạch còn hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện; thể chế, chính sách về đô thị, phát triển đô thị thiếu đồng bộ và ổn định; quản lý đô thị chưa chuyên nghiệp, lỏng lẻo… đặc biệt, quy hoạch đô thị ở nước ta còn chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp.

Một số vấn đề cụ thể tồn tại trong công tác quy hoạch như: dự báo phát triển không chính xác; dân số đô thị thường vượt xa dân số dự báo dẫn đến khó khăn chính về vấn đề nhà ở và dịch vụ xã hội. Sự mở rộng các khu vực kinh tế đô thị làm gia tăng gánh nặng cho hệ thống giao thông cấp nước, cấp điện… Sự mất cân đối của việc cung cấp hệ thống hạ tầng xã hội/cộng đồng khi phải phục vụ cho lượng dân cư tăng lên; sự mở rộng không gian quá mức của đô thị lấn chiếm vào các khu cây xanh/đất nông nghiệp ở khu vực ranh giới đô thị/nông thôn.

Cũng đề cập đến công tác quy hoạch đô thị, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng vụ Quy hoạch kiến trúc, đánh giá: Công tác quy hoạch vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn phát triển đô thị hiện nay, từ đó, chưa phát huy tốt vai trò định hướng phát triển không gian đô thị. Cụ thể, có những quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan tới quy hoạch chưa bắt kịp xu hướng, nhu cầu và mô hình phát triển mới.

Ngoài ra, về phương phát tiếp cận, việc quy hoạch hiện chưa liên kết chặt chẽ tới quản lý phát triển đô thị, tới quá trình thực thi quy hoạch, huy động nguồn lực cho phát triển đô thị. Các vấn đề xuyên suốt như biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở cho người thu nhập thấp… chưa được tích hợp đúng mức trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Quy hoạch đô thị còn phải điều chỉnh khá thường xuyên, chưa có sự tham gia xuyên suốt với các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng dân cư.

Theo TS.KTS Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, một số nguyên nhân dẫn đến chất lượng quy hoạch thấp phải kể đến là sự phối hợp đa ngành trong quá trình lập quy hoạch đô thị rất hạn chế, thiếu tính tổng thể hợp nhất/tích hợp nên khó can thiệp hiệu quả vào các quy hoạch ngành. Quy hoạch đô thị theo tầng bậc đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực cho công tác phủ kín quy hoạch, không phù hợp thực tiễn. Cách tiếp cận nặng từ trên xuống, mang tính áp đặt (chỉ thị, nghị quyết…) trong khi lại cần sự hiểu biết kỹ lưỡng hơn về tính chất đa chiều của tài nguyên đất. Đặc biệt, xuất hiện việc “hợp thức hóa” một số vấn đề, một số việc “đã rồi” tại địa phương theo tư duy “nhiệm kỳ”… lợi ích nhóm; hay những quyết định, chủ trương đầu tư chưa đúng, chưa trúng, không đem lại lợi ích cho đô thị.

Ông Quảng nhận định công tác quy hoạch đô thị phải luôn đi trước một bước, chất lượng quy hoạch góp phần quyết định sự thành bại của xây dựng, phát triển đô thị. Do đó, việc tư vấn làm quy hoạch cần được tăng cường kiểm soát, phân loại và đảm bảo chất lượng công tác cấp chứng chỉ hành nghề quy hoạch.

 XÂY DỰNG BỘ CÔNG CỤ HỖ TRỢ LẬP QUY HOẠCH

Bà Hằng cho rằng, hiện nay, cần tập trung vào các vấn đề về phương pháp, quan điểm tiếp cận quy hoạch mới; việc phân cấp, phân quyền cho địa phương liên quan tới lập và phê duyệt quy hoạch đô thị; mối liên hệ, căn cứ và tầng bậc giữa các quy hoạch đô thị; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cũng như nội dung về phương án quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng.

Ngoài ra cũng lưu ý đến phương thức lập quy hoạch nhằm đảm bảo sự khả thi trong quá trình triển khai, thực khi các dự án đô thị, bao gồm các dự án phát triển mới và chỉnh trang, tái thiết đô thị; phương thức và định hướng tích hợp vấn đề xuyên suốt, có tính phổ quát toàn cầu vào công tác quy hoạch đô thị, góp phần hướng đến hệ thống đô thị Việt Nam phát triển bền vững.

Bổ sung thêm, ông Quảng nhấn mạnh đến việc tăng cường ứng dụng công cụ thu thập dữ liệu liên quan, nhằm giúp nâng cao chất lượng quy hoạch thông qua khả năng phân tích số liệu thống kê, kịch bản phát triển, lựa chọn vị trí xây dựng, kịch bản phát triển gắn với xu hướng tăng trưởng xanh, thông minh… Nhưng để đạt mục tiêu này phải có cơ sở dữ liệu quốc gia liên tục được cập nhật và minh bạch hóa, những yêu cầu này cũng cần thể chế, chính sách hỗ trợ đi kèm.

Chia sẻ về phương pháp tiếp cận quy hoạch tích hợp có sự tham gia hướng tới phát triển đô thị bền vững, bà Naomi Hoogervorst, Chuyên gia quy hoạch cao cấp của Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat), đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng bộ công cụ hỗ trợ quy hoạch, để giúp công tác quy hoạch linh hoạt, bao trùm và thích nghi với những bối cảnh cụ thể. Bộ công cụ sẽ hướng dẫn từng bước, giúp hỗ trợ chính quyền địa phương cùng các bên liên quan hiểu rõ, xây dựng quy trình quy hoạch có sự tham gia của người dân và các cấp.

“Như vậy, cùng với Nghị quyết 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; chương trình hành động của Chính phủ và kế hoạch triển khai cụ thể của Bộ, ngành, địa phương; sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta sẽ cùng tháo gỡ những bất cập hạn chế trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, tạo động lực phát triển hệ thống đô thị và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững đô thị Việt Nam”, ông Hậu tin tưởng.

 

 

Hưng Phát Group

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *